Việt Nữ Kiếm Pháp Võ thuật trong tiểu thuyết Kim Dung

Thời cổ, Ngô-Việt đánh nhau, Việt vương Câu Tiễn nằm gai nếm mật nghĩ cách diệt nước Ngô, nhưng thủ hạ của Ngô vương có đại tướng Ngũ Tử Tư học được binh pháp của Tôn Tử, huấn luyện sĩ tốt vô cùng tinh nhuệ.

Câu Tiễn thấy quân mình võ nghệ không bằng đối phương, phiền muộn không vui. Một hôm chợt có một thiếu nữ xinh đẹp tới nước Việt, kiếm thuật vô cùng tinh diệu. Câu Tiễn cả mừng, mời nàng về dạy kiếm pháp cho quân Việt, cuối cùng dùng đó diệt nước Ngô. Gia Hưng là nơi giáp giới Ngô Việt ngày trước, hai nước đánh nhau đều lấy đó làm chiến trường, bộ Việt Nữ Kiếm Pháp này cũng từ đó lưu truyền ra thiên hạ. Chỉ là kiếm pháp mà cô gái dạy cho quân Việt ngày trước nhằm quyết thắng trên chiến trường nên chỉ chú trọng vào việc chém tướng đâm ngựa, chứ dùng để giao đấu với danh gia võ thuật trên giang hồ thì không đủ phần linh động mau lẹ.

Đến cuối thời Đường, ở Gia Hưng xuất hiện một danh gia kiếm thuật, y dựa vào yếu chỉ của kiếm pháp thời cổ mà đổi mới, trong chỗ lợi hại lại ẩn giấu thêm nhiều biến hóa phức tạp.

Theo truyện Anh hùng xạ điêu, Hàn Tiểu Oanh, một trong Giang Nam Thất Quái, theo sư phụ học được lộ kiếm pháp ấy, tuy chưa thật tinh thông nhưng kiếm chiêu cũng đã cao cường, cái ngoại hiệu Việt Nữ Kiếm của nàng là nhờ kiếm pháp mà được.